SỐ PHẬN CỦA MÈO CÁI NUÔI SINH SẢN
21/05/2020 8010 0
Nuôi mèo Tây đang là thú vui thịnh hành của giới trẻ Việt Nam hiện nay. Chính vì vậy việc nuôi và chăm sóc mèo Tây không còn đơn thuần là nuôi thú cưng mà nó trở thành một ngành chăn nuôi cao cấp. Từ đó hái ra tiền cho các trại chuyên nghiệp và thậm chí là sinh viên.
Nuôi một chú mèo Tây bầu bạn nơi đất khách quê người khi đi học xa là điều mà đa số các bạn sinh viên nghĩ đến. Nhưng bên cạnh đó khi chú mèo đến tuổi sinh sản thì vô tình có thể kiếm được bộn tiền cho chủ nhân nhờ tiền phối giống (nếu nuôi mèo đực) và tiền bán đàn mèo con (nếu nuôi mèo cái).
Đối với nhận thức của nhiều bạn trẻ trong việc nuôi mèo sinh sản đơn giản như ví dụ sau:
Bạn A mua 1 bé mèo cái giá 3 triệu, nuôi 1 năm mèo trưởng thành và bắt đầu sinh sản, đến năm thứ 2 cứ mỗi năm mèo đẻ 2 lứa, mỗi lứa trung bình từ 4 tới 6 mèo con. Như vậy 1 bé mèo con lại bán 3 triệu thì 1 năm bạn A thu lại được từ 12 triệu tới 24 triệu.
Ở đây, chúng ta bỏ qua yếu tố rủi ro và tính bài toán hoàn hảo nhất để thấy được tiềm năng của việc nuôi mèo Tây sinh sản. Đây cũng có thể được xem là một kiểu “đầu tư” hấp dẫn đủ khiến cho người người, nhà nhà lao đầu vào cuộc chơi này.
“Đầu tư” sinh lãi cao là thế, nhưng số phận của mèo cái nuôi sinh sản sẽ ra sao khi chúng không còn khả năng sinh sản?
Chúng ta thường nghe câu: “Đẻ như mèo” Đúng, không sai, chính vì vậy mà một bộ phận chủ nuôi mèo cho mèo sinh sản liên tục mà không quan tâm tới sức khỏe của mèo. Bởi vì mèo đẻ càng nhiều thì họ thu về càng nhiều tiền.
Một cô mèo Tây sau khi đã qua độ tuổi sinh sản thì bắt đầu xuống cấp tàn tạ cả về bề ngoài lẫn sức khỏe bên trong dó sinh con liên tục. Khi đó, bé mèo này sẽ khó có thể sinh ra những chú mèo con xinh xắn phù hợp với thị hiếu của người nuôi mèo. Thêm vào đó, người mua mèo càng ngày càng khó tính hơn trong việc lựa chọn mèo con. Do hiện nay mọi người có thể tìm hiểu cách chọn mua một chú mèo con rất dễ dàng từ những chia sẻ trên các trang web hay hội nhóm về mèo. Cuối cùng thì bé mèo cái từng “hái ra tiền” sẽ không còn giá trị nào nữa. Lúc này, chúng sẽ có thể có 2 kết cục:
1) Sau khi tới tuổi nghỉ ngơi, mèo cái sẽ được triệt sản và được chủ nhân giữ nuôi tới hết cuộc đời:
Đây có thể nói là cái kết may mắn nhất dành cho mèo cái sau khi “hoàn thành nhiệm vụ” của mình. Những bé mèo có số phận may mắn này được đền đáp xứng đáng công sức nó dành cho chủ nhân. Mèo rất khó để làm quen với một môi trường mới và đặc biệt là một người chủ mới khi chúng lớn tuổi. Vậy nên việc được ở lại với người chủ gắn bó từ lúc nhỏ đến lớn là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của chúng.
Tuy nhiên, nuôi mèo sinh sản để kiếm ra tiền thì rất dễ nhưng để chăm sóc mèo tới cuối đời mà không sinh lợi thêm nữa là cả một quá trình đầy trách nhiệm của người chủ. Đương nhiên người chủ đã từng nghĩ đến điều này khi bắt đầu nhưng thực tế có mấy ai làm được? Nhưng thử nghĩ đến những gì mà em mèo đã mang đến cho chủ nhân thì việc có trách nhiệm cũng là điều công bằng mà chúng xứng đáng nhận được, đúng không nào?
2) Sau khi đã sinh sản được vài lứa, mèo cái sẽ được chủ nhân đăng bán giá rẻ để người mua triệt sản và nuôi theo kiểu thú cưng, không cần sinh sản nữa.
Đây cũng có thể coi là cái kết may mắn thứ 2 cho mèo cái. Những người chủ này tuy không muốn giữ chúng lại tới cuối cuộc đời nhưng ít ra vẫn muốn tìm cho mèo một mái nhà êm ấm để “an hưởng tuổi già”. Tuy nhiên không phải chú mèo nào cũng thuận lợi tìm được chủ mới. Thông thường không ai lại muốn mua mèo đã triệt sản (vì không thể sinh sản kiếm tiền) chưa kể đã lớn tuổi, khó quen được với môi trường hoàn toàn xa lạ. Nếu nuôi như thú cưng, đa phần mọi người sẽ chọn mua mèo con vì chúng dễ làm quen và gắn bó với chủ. Tuy nhiên, chủ mèo vẫn sẽ cố gắng tìm một người tốt để gửi gắm mèo dù bán với giá rẻ hoặc đem mèo tặng cho người thân nuôi làm cảnh.
3) Sau khi sinh sản được vài lứa hay thậm chí là nhiều lứa mèo cái sẽ được người chủ “khai gian” là mèo mới đẻ được 1 lứa và đăng bán cho những người cần mua mèo về sinh sản với giá vốn không quá cao:
Món lời quá hấp dẫn từ “ngành nuôi mèo sinh sản” trở thành món mồi ngon béo bở trong mắt nhiều người. Vì vậy mà lượng người mới gia nhập nhưng muốn “mì ăn liền” ngày càng đông. Họ sẽ dễ dàng bị dụ dỗ khi nhận được một mức giá quá hời cho một bé mèo cái vừa mua về là có thể sinh sản ngay. Lợi dụng tâm lý này mà rất nhiều chủ trại mèo “thải ra” những bé mèo đã sinh sản nhiều lần nhưng gắn mác mới đẻ lứa đầu tiên để bán lại cho những người “mê ăn mì gói”.
Cuộc đời của những bé mèo khá chua chát. Chúng chỉ quanh quẩn với việc sinh sản để kiếm tiền cho chủ rồi bị bán trao tay liên tục không biết điểm dừng. Thật ra cũng không thể lên án những người chủ này được bởi vì ngành nghề kinh doanh nào mà không có sự lợi dụng và đào thải. Tuy nhiên, khi nó gắn với một sinh mạng thì mọi thứ đều trở nên nhạy cảm hơn. Cái đáng nói ở đây là những bé mèo cái còn đáng thương và tội nghiệp hơn cả những chú mèo ta được nuôi để bắt chuột.
4) Sau khi mèo có vấn đề về sinh sản và không còn giá trị lợi dụng đúng nghĩa đen, mèo cái sẽ bị bán rẻ cho các chợ buôn chó mèo kiểng hoặc bị bỏ rơi thành mèo hoang:
Cuối cùng khi mèo cái không thể sinh sản nữa hoặc mắc các bệnh hiểm nghèo hay những bệnh mãn tính đòi hỏi phải tốn tiền điều trị lâu dài thì chúng sẽ bị đối xử như thế nào? Những người chủ ngay từ đầu đã xem mèo như công cụ đẻ ra tiền thì đương nhiên sẽ chỉ nghĩ tới tiền và việc làm sao để giảm thiểu chi phí tốn kém nhất có thể. Vì thế làm sao họ có thể bỏ tiền ra chăm sóc y tế cho mèo khi bé không mang đến lợi ích nào cho họ? Thậm chí họ sẽ tìm cách bán thật nhanh, thật rẻ cho các chợ buôn chó mèo kiểng để vứt đi “của nợ” nhưng vẫn gỡ lại một món tiền nhỏ. Đó chính là những chú mèo xơ xác ở các khu chợ mà chúng ta vẫn hay tưởng nhầm là mèo có chủ bị bắt cóc hoặc đi lạc.
Dù sao thì chúng vẫn là mèo Tây nên các lái buôn vẫn sẽ thu mua lại nếu như chúng không tới nỗi quá xấu. Những bé mèo này có khi sẽ chết mòn trong những cái cũi sắt phơi ngoài nắng hoặc chết vì bệnh tật không được chăm sóc thuốc men. Nhiều người vô tình hơn còn vứt mèo ra đường khi chúng quá xấu và không thể sang tay nữa. Nhưng những con mèo Tây nuôi lồng chỉ biết sinh đẻ quanh năm lại thêm già yếu, bệnh tật thì chắc chắn không thể tự kiếm miếng ăn qua ngày như mèo hoang được. Cuối cùng, mèo cái hết giá trị sẽ chết dần chết mòn ở một góc khuất nào đó và kết thúc một cuộc đời kiếm tiền cho “người chủ” của mình. Thật chua chát!
Một chia sẻ từ người nhận nuôi bé mèo cái được xem như hết giá trị
Đây chính là một câu chuyện thực tế về số phận của mèo cái sinh sản. Sau khi không còn “đẻ ra tiền”” được nữa, thì bé mèo cái chột một mắt này được đem cho một người khác kèm theo câu: Nếu không ai nhận sẽ bị bỏ. May mắn cho bé mèo này là đã tìm được một người tử tế cưu mang, nếu không, thật không biết kết cục của cô mèo này sẽ thê thảm như thế nào?
Thật ra, trên thực tế còn không ít tình cảnh đau đớn hơn của những bé mèo cái “chuyên đẻ”. Theo bạn, người nuôi mèo sinh sản cần có trách nhiệm như thế nào với mèo cái khi chúng đã dốc lòng dốc sức sinh con kiếm tiền cho chủ? Hãy cùng chia sẻ quan điểm của các bạn về vấn đề này nhé!
Đọc thêm ▾
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận cho bài viết này!
BÀI VIẾT XEM NHIỀU