CHĂM SÓC MÈO CƠ BẢN
19/02/2020 1256 0
- BẢNG CÂN NẶNG CỦA MÈO ANH LÔNG NGẮN TỪ 0-16 TUẦN TUỔI
- TẮM CHO MÈO BẰNG DẦU GỘI CỦA NGƯỜI HOẶC SỮA TẮM EM BÉ: NÊN HAY KHÔNG?
- LỢI ÍCH BẤT NGỜ TỪ VIỆC ĐÁNH RĂNG CHO MÈO
Những việc cần làm để chăm sóc mèo mỗi ngày còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như : giống mèo, độ dài lông mèo, tuổi của mèo hay sức khỏe hiện tại của em ấy. Song, dù yếu tố nào tác động thì nhu cầu cần được chăm sóc mèo cơ bản vẫn bao gồm những phần dưới đây.
Ảnh : Love Ferplast
1. Chăm sóc da và lông cho mèo
Có lẽ, việc chăm sóc da và lông đối với những chú mèo có lông ngắn hoặc không có lông tương đối nhàn hạ hơn so với những chủ sở hữu những em mèo lông dài. Bởi vì độ dài của lông ngắn, mèo có thể tự chăm sóc, chải chuốt cho bộ lông của mình bằng cách liếm láp cơ thể mỗi khi rãnh rỗi do.
Chuyện này hoàn toàn khác với mèo lông dài. Bộ lông dài khiến mèo trông quí phái và kiêu sa hơn nhưng cũng đòi hỏi phải được chăm sóc nhiều hơn. Mèo lông dài thường gặp những vấn đề như lông bị rối hoặc bết mà chúng không thể nào tự xử lí được. Ngoài ra, mèo lông dài thường gặp phiền phức với phần lông ở đuôi khi đi vệ sinh, thật khó để giữ sạch phần lông này nếu bạn không tỉa bớt.
Những chú mèo lông dài cần được chăm sóc bộ lông kỹ lưỡng hơn (Ảnh : Vets for Cats)
Mèo không lông lại tiết kiệm thời gian chăm sóc lông của chúng cho chủ hơn nhưng ngược lại, bạn sẽ mất thời gian để chăm sóc da của mèo. Có một sự thật là những chú mèo không lông thường gặp phải nhiều vấn đề trên da vì thiếu sự che chở của phần lông. Phần lông mèo có vai trò giữ ấm, bảo vệ da, ngoài ra, tuyến bã nhờn dưới da còn tiết da lớp dầu để chúng không thấm nước và để lại mùi hương. Vì vậy khi thiếu đi bộ lông, mèo không lông thường dễ bị bệnh về da như nấm da, phát ban…Bạn cần chú ý giữ da mèo luôn sạch sẽ và khỏe mạnh. Tắm cho mèo mỗi tuần để loại bỏ dầu nhờn dư thừa trên da mèo.
2. Chăm sóc mắt cho mèo
Hầu hết tất cả mèo đều không cần chủ giúp đỡ nào từ chủ để chăm sóc đôi mắt của mình. Mắt mèo có thể được giữ sạch sẽ bằng cách chải chuốt thường xuyên của chúng. Trường hợp ngoại lệ có thể là giống Ba Tư và Exotic với gương mặt phẳng lì với hộp sọ khác với những chú mèo bình thường nên có thể chúng sẽ gặp khó khăn hơn khi chăm sóc và làm sạch vùng mắt. Thêm vào đó, những giống này còn có đặc điểm chảy nước mắt do kết cấu hộp sọ làm cho ống dẫn nước mắt (để cho nước mắt chảy ra mà không ai nhận ra) bị chặn. Vì vậy, nếu bạn đang nuôi 2 giống mèo này, bạn nên giúp chúng lau sạch phần nước mắt này để giảm bớt sự khó chịu cho mèo.
Mắt mèo không cần được lau thường xuyên, nhưng cũng cần được chăm sóc khi gặp vấn đề (Ảnh : Love Ferplast)
Bạn có thể làm sạch mắt bằng bông gòn làm ẩm bằng nước sạch hoặc một ít dầu em bé. Sử dụng mỗi mắt một bông gòn riêng và thấm khô bằng khăn giấy. Tránh chạm vào mắt mèo vì sẽ làm chúng thấy đau đớn và không muốn hợp tác vào lần sau.
3. Chăm sóc móng cho mèo
Tương tự như mắt, mèo cũng không cần được chăm sóc móng. Chúng có thể tự giữ cho móng mình luôn sạch sẽ và sắc bén bằng những hoạt động thường ngày của chúng. Những chú mèo được nuôi ở nhà có thể cần được cắt tỉa móng một chút, chủ yếu để bảo vệ đồ đạc trong nhà của bạn. Nhấn mạnh là chỉ cắt tỉa một chút. Mèo thường sẽ dùng móng để cào đồ như sofa hay yên xe của bạn. Bạn hoàn toàn có thể thay thế đồ đạc bằng bàn cào hay trụ cào để bảo vệ nội thất trong nhà.
Cắt một tí phần trên cùng của móng có thể bảo vệ đồ trong nhà bạn (Ảnh : Petbarn)
Những chú mèo lớn tuổi cần được để ý phần móng kỹ hơn, vì móng của chúng có xu hướng mọc quắp vào phần đệm thịt. Điều này có thể khiến mèo đau đơn và khó chịu.
4. Chăm sóc tai cho mèo
Có thể bạn sẽ phát hiện ra tai mèo có sáp đen và rất muốn lau chúng đi. Nhưng bác sĩ thú y khuyên rằng chúng ta không nên làm xáo trộn bên trong tai mèo vì dễ làm tổn thương các mô lót ống tai rất mỏng manh và dễ hỏng.
Bạn không nên lau tai mèo thường xuyên dù tai em có đóng sáp đen (Ảnh : The Happy Cat Site)
Phần sáp đen trong tai mèo có thể được hình thành do rận tai hoặc kích ứng da. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn loại dung dịch vệ sinh phần tai bên ngoài của mèo. Không nên lau quá sâu bên trong tai mèo vì như vậy, mèo có thể gặp nhiều nguy hiểm hơn là lợi ích. Bạn nhớ chỉ lau tai cho mèo khi cần thiết thôi nhé !
5. Chăm sóc răng mèo
Nhiều người nuôi mèo không để ý đến vấn đề răng miệng của mèo. Hoặc do những cây răng vừa nhỏ vừa sắc bén khiến họ ngại khi chăm sóc chúng. Lời khuyên từ bác sĩ thú y cho việc chăm sóc răng miệng cho mèo là nên tập quen với thói quen đánh răng cho mèo từ lúc nhỏ.
Mèo nên được tập thói quen đánh răng hằng ngày từ khi còn nhỏ (Ảnh : Omlet)
Mèo thường che giấu cảm xúc và nỗi đau nên chúng có thể bị đau ở miệng mà bạn không biết nếu không chăm sóc răng miệng cho mèo thường xuyên. Ngoài ra, chăm sóc răng miệng cho mèo còn giúp bảo vệ răng chúng khỏi sâu răng hay hôi miệng. Một con số thống kê cho thấy gần ¾ số mèo trên 3 tuổi có thể mắc bệnh về răng miệng. Vì vậy, kiểm tra và đánh răng cho mèo mỗi ngày là hết sức cần thiết.
6. Quan sát để tìm ra những điều bất thường
Một trong những điểm quan trọng khi chăm sóc mèo hằng ngày là bạn phải quan sát mèo để phát hiện những điều bất thường từ sức khỏe của mèo. Ví dụ như lông mèo khô xơ hơn hay mèo bị đau chân hoặc mèo ăn ít hơn bình thường. Phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường giúp mèo tăng khả năng trị bệnh nếu thật sự chúng mắc bệnh.
Có thể lúc đầu bạn sẽ khá bối rối trong cách chăm sóc mèo, nhưng chăm em mèo một thời gian sẽ giúp bạn có được một lượng kiến thức kha khá về mèo tăng dần theo thời gian. Những vấn đề ở trên có những cái cần làm hằng ngày nhưng có những cái chỉ cần đến khi mèo gặp vấn đề như : lau tai, lau mắt cho mèo. Mỗi chú mèo cần có nhu cầu chăm sóc khác nhau tuy nhiên cũng không thể bỏ qua những chăm sóc cơ bản ở trên. Như đã đề cập ở trên, bạn nên dựa theo nhu cầu thực tế của em mèo mà có thêm những phần chăm sóc khác nhé.
Nguồn tham khảo : The Spuce Pets
Đọc thêm ▾
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận cho bài viết này!