BỆNH ĐƯỜNG TIẾT NIỆU DƯỚI Ở MÈO (FLUTD)
07/02/2020 1445 0
- Các loại bệnh cần được tiêm phòng khi nuôi mèo
- MÈO BỊ SỔ MŨI: NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH XỬ LÝ
- TOP 3 BỆNH RĂNG MIỆNG Ở MÈO PHỔ BIẾN HÀNG ĐẦU MÀ BẠN NÊN BIẾT
Bệnh đường tiết niệu rất phổ biến ở mèo. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh và không tập trung ở một nhóm đối tượng nhất định này. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu về căn bệnh này để có thể nhận biết khi mèo có những dấu hiệu giống như bệnh này !
Bệnh đường tiết niệu dưới (FLUTD) là gì ?
Bệnh đường tiết niệu dưới (FLUTD) có nhiều tình trạng khác nhau liên quan đến đường tiết niệu dưới như viêm bàng quang, niệu đạo, tắc nghẽn niệu đạo một phần hoặc toàn bộ và hình thành sỏi trong đường tiết niệu.
Bạn đã biết về bệnh đường tiết niệu dưới ở mèo chưa ? (Ảnh : Catster)
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân khiến mèo bị bệnh đường tiết niệu dưới, nhưng đây là những nguyên nhân phổ biên nhất :
- Sỏi tiết niệu tiết niệu hình thành trong bàng quang, niệu quản, niệu đạo và cả thận. Sỏi tiết niệu là nguyên nhân của 15-20% trường hợp mèo bị bệnh đường tiết niệu dưới. Phần lớn sỏi tiết niệu là canxi oxalate hoặc magie ammonium phosphates, 2 loại này chiếm đến 80-90% trong số những loại sỏi hình thành. Loại sỏi có thành phần là canxi oxalate chỉ có thể loại bỏ bằng phẫu thuật, loại còn lại có thể xử lí bằng chế độ ăn và thuốc uống có thể làm tan sỏi.
- Nhiễm trùng tiết niệu. Nhiễm vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng hoặc virus đều có thể khiến đường tiết niệu của mèo gặp vấn đề. Nhiễm khuẩn bàng quang, viêm bàng quang do vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh đường tiết niệu dưới ở nhiều loài động vật khác, trừ mèo.
- Tắc nghẽn niệu đạo. Vấn đề này thường gặp ở mèo đực vì chúng có niệu đạo dài và hẹp hơn con cái. Đây là một vấn đề khá nghiêm trọng với mèo. Những con mèo bị tắc nghẽn niệu đạo nên được cấp cứu ngay lập tức nếu không mèo sẽ tử vong trong vòng 72 tiếng. Tắc nghẽn niệu đạo có thể dẫn đến suy thận và ure huyết.
- Viêm bàng quang vô căn (FIC) là tình trạng viêm ảnh hưởng đến bàng quang. Bệnh này thường được chẩn đoán sau khi đã loại trừ các bệnh có dấu hiệu tương tự. Không có thể xác định chính xác nguyên nhân gây ra bệnh này.
- Nhiều nguyên nhân khác. Mặc dù những nguyên nhân này ít xảy ra hơn nhưng cũng có trường hợp mèo bị bệnh đường tiết niệu dưới do bệnh tiểu đường, cường giáp, chấn thương hoặc bị bẩm sinh hay do ảnh hưởng của các khối u. Ngoài ra, béo phì và ít vận động cũng khiến mèo dễ mắc bệnh.
Dấu hiệu của bệnh đường tiết niệu dưới (FLUTD)
Khó tiểu, tiểu gắt là một trong những dấu hiệu của bệnh đường tiết niệu dưới ở mèo (Ảnh : BuzzFeed)
- Khó tiểu hoặc tiểu gắt làm mèo bị đau khi đi tiểu, chúng sẽ tỏ vẻ căng thẳng và đôi khi là “khóc” bằng cách kêu lớn khi đi tiểu.
- Đi tiểu nhiều.
- Xuất hiện máu trong nước tiểu (xảy ra khi có tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm). Tuy nhiên, lượng máu này chỉ có thể phát hiện được bằng cách xét nghiệm.
- Đi tiểu trên sàn nhà mà không đi vào khay cát vệ sinh.
- Liếm lông nhiều.
- Thay đổi tính tình. Có thể chúng sẽ trở nên cáu gắt hơn.
- Tắc nghẽn niệu đạo.
Đối tượng nào dễ mắc bệnh ?
Những con mèo béo phì có nguy cơ mắc nhiều bệnh khác chứ không chỉ riêng bệnh đường tiết niệu dưới (Ảnh : The Spruce Pets)
Bệnh đường tiết niệu dưới (FLUTD) ảnh hưởng đến khoảng 1-3% tổng số mèo mỗi năm. Vì vậy nó trở thành một căn bệnh phổ biến ở mèo. Do có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh nên mèo ở mọi lứa tuổi, giống và giới tính đều có thể mắc bệnh. Nhưng nhóm đối tượng thường dễ mắc bệnh nhất là
- Mèo trung niên
- Mèo đã triệt sản
- Những con mèo thừa cân hoặc béo phì
- Mèo ít vận động
- Mèo nuôi trong nhà ít hoặc không được ra bên ngoài
- Mèo thường ăn những thức ăn dạng khô
Phương án điều trị cho mèo
Việc điều trị căn bệnh này phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Việc uống nhiều nước và khuyến khích mèo đi tiểu sẽ giúp căn bệnh của mèo được cải thiện hơn. Vì vậy, bạn có thể giúp mèo bằng cách cho ăn thức ăn ướt thay vì thức ăn khô, khuyến khích mèo uống nhiều nước hơn và tập thể dục.
Viêm bàng quang do vi khuẩn
Trong trường hợp này, cơ thể mèo thường đáp ứng với liệu pháp kháng khuẩn. Tuy nhiên, việc lựa chọn thuốc khảng khuẩn nên được thực hiện bằng cách nuôi cấy vi khuẩn và kiểm tra độ nhạy cảm của vi khuẩn để tìm được loại kháng sinh phù hợp.
Sỏi tiết niệu (sỏi bàng quang)
Có 2 cách để loại bỏ sỏi là phẫu thuật và uống thuốc làm tan sỏi tùy theo thành phần cấu tạo của sỏi. Ngoài ra, bác sĩ thú y có thể đưa cho bạn lời khuyên để thay đổi chế độ ăn cho mèo để hỗ trợ làm tan sỏi hoặc ngăn ngừa chúng tái phát. Thức ăn ướt luôn được đề cao để phòng ngừa sỏi tái phát.
Tắc nghẽn niệu đạo
Nhiều bệnh đường tiết niệu dưới phải can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật, ví dụ như tắc nghẽn niệu đạo (Ảnh : Wag!)
Tắc nghẽn niệu đạo thường do sỏi bàng quang nhỏ rơi xuống bàng quang và niệu đạo (ống tiểu). Đây là một tình trạng hết sức nghiêm trọng. Mèo thường được gây mê để lấy sỏi ra vì mèo sẽ rất đau đớn khi sỏi gây tắc nghẽn ra. Sau khi xử lí xong, mèo có thể bị viêm niệu đạo khá nghiêm trọng. Điều đó gây sưng và co thắt cơ niệu đạo làm cho mèo đi tiểu khó khăn trong nhiều ngày sau đó. Tùy vào tình trạng nghiêm trọng của bệnh mà mèo cần được điều trị bằng cách tiêm thuốc hoặc đặt ống thông tiểu vài ngày. Ngoài ra, thuốc giảm đau, giảm sung và chống co thắt cũng rất cần thiết.
Chắc chắn bạn cần thay đổi một chế độ ăn có nhiều nước, khuyến khích mèo uống nhiều nước hơn. Cho mèo ăn thức ăn ướt thay vì thức ăn khô để ngăn ngừa hình thành sỏi, từ đó giảm được nguy cơ tái phát bệnh cho mèo.
Nhiều nhận định cho rằng mèo có thể bị tắc nghẽn niệu đạo có thể bị viêm bàng quang vô căn, vì vây khuyến nghị điều trị cho bệnh này cũng nên được xem xét.
Hẹp niệu đạo
Nếu xác định được nguyên nhân do hẹp niệu đạo thì có thể mèo cần phẫu thuật để khắc phục. Mức độ thành công của ca phẫu thuộc còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Viêm bàng quang vô căn (FIC)
Bạn nên khuyến khích mèo uống nhiều nước, thay đổi sang chế độ ăn ướt (nếu có thể) khi mèo mắc bệnh. Mặt khác, bạn cũng nên giúp mèo giảm stress để cải thiện tình trạng bệnh của mình.
Khối u bàng quang
Khối u bàng quang là căn bệnh hiếm gặp ở mèo. Nó chỉ xuất hiện ở những con mèo già. Trong trường hợp này, mèo nên được tiến hành hóa trị để giảm kích thước của khối u và cải thiện chất lượng cuộc sống cho mèo. Ngoài ra, mèo sẽ được kê thêm một số thuốc để hỗ trợ điều trị.
Nguồn tham khảo : Icatcare và Basepaw
Đọc thêm ▾
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận cho bài viết này!