HƯỚNG DẪN CÁCH TẮM MÈO CƠ BẢN

08/01/2020  2511   0

Bạn đã từng nghĩ đến việc tắm cho một chú mèo sẽ như thế nào hay chưa?. Thật ra những bé mèo tuy tự vệ sinh cơ thể mỗi ngày bằng việc liếm láp nhưng chúng vẫn cần được tắm. Việc tắm mèo giúp bé sạch sẽ hơn và hạn chế mầm bệnh cho cả bé lẫn bạn. Việc tắm mèo cũng không quá khó khăn như bạn nghĩ đâu. Nếu bạn đang nghĩ đến việc tắm cho bé thì cũng xem thử nhé. Bạn sẽ làm được thôi mà !

Những chú mèo thường xuyên được cưng nựng, ôm ấp nên việc giữ vệ sinh cho chúng là một điều hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho mèo và chúng ta. Thật ra, khi một chú mèo được tắm thường xuyên sẽ giảm cảm giác sợ nước. Có thể bé sẽ hoảng sợ trong những lần đầu tiên được tắm, nhưng không sao, hãy kiên nhẫn giúp bé quen dần với việc tắm rửa.

Những mẹo nhỏ cho việc tắm mèo :

Dùng bông gòn nhét vào tai bé khi chuẩn bị tắm để hạn chế nước dính vào tai bé.

Chuẩn bị một cái khăn chuyên dụng nhanh khô của chó mèo sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian giặt giũ.

Để bé đỡ hoảng sợ, bạn nên điều chỉnh lượng nước ở mức nhẹ vừa phải ở những lần đầu tiên tắm bé hoặc chuẩn bị chậu nước và xối nước nhẹ nhàng.

Dùng loại sữa tắm chuyên biệt cho mèo. Không nên sử dụng sữa tắm cho chó để tắm cho mèo vì trong sữa tắm cho chó có chưa thành phần diệt bọ chét chó. Chất này có thể gây độc đối với mèo.

Cách thực hiện :

Bước 1: Nhẹ nhàng đặt mèo vào chậu tắm hoặc nhà tắm, hãy đóng chặt cửa để bé không bỏ chạy được. Nhẹ nhàng đổ nước từ phần cổ xuống thân. Chú ý làm ướt khắp cơ thể bé. Bạn hãy liên tục nói chuyện với bé trong khi tắm giúp bé xoa dịu nỗi sợ nhé. Nước ấm khoảng 38.5oC sẽ khiến mèo thoải mái hơn.

Nguồn ảnh : Annimal Wised

Bước 2 : Sử dụng sữa tắm chuyên dụng cho mèo hòa với nước rồi xoa lên khắp cơ thể mèo. Chú ý xoa cẩn thận vùng gần tai để tránh rơi nước vào tai bé. Bạn chỉ nên tắm phần từ cổ hoặc nửa đầu phía sau cho đến đuôi của bé. Không nên xoa lên phần mặt vì rất dễ dính vào mắt, mũi, miệng của mèo.

Bước 3 : Xoa sữa tắm thật kỹ trên khắp cơ thể mèo và đảm bảo đã gội sạch kỹ cho bé bạn nhé. Bạn cũng đừng quên trò chuyện cùng bé nhé. Sau khi gội sạch, hãy nhanh chóng dùng nước sạch xả hết phần sữa tắm trên người bé. Bạn hãy chắc chắn bé mèo đã được xả sạch sữa tắm trước khi kết thúc việc tắm bé nhé.

Nguồn ảnh : Travelingwithyourcat

Bước 4 : Dùng khăn chuyên dụng nhanh khô để lau bớt nước trên lông mèo. Sau khi lau bớt nước, bạn nên dùng máy sấy để sấy khô hoàn toàn cho bé để tránh bị nấm. Nếu bạn có máy sấy chuyên dụng thì việc sấy lông sẽ nhanh chóng hơn, nhưng nếu không có thì bạn hoàn toàn có thể dùng máy sấy tóc, chỉ là sẽ mất thời gian hơn một chút thôi. Một cái lồng sấy sẽ giúp cố định bé tại chỗ để bạn dễ dàng sấy khô vì không phải bé mèo nào cũng thích âm thanh của chiếc máy sấy đâu. Bạn có thể thưởng cho bé một vài món bánh thưởng yêu thích để khích lệ tinh thần.

Cách vệ sinh tai, mắt, mũi cho mèo sau khi tắm

Nguồn ảnh : Ferplast

Sau khi tắm, bạn hãy kiểm tra xem có nước rơi vào tai bé hay không. Bên trong tai mèo phải đảm bảo sạch sẽ và không có mùi bạn nhé. Nếu tai mèo dơ, bạn nên dùng tăm bông hoặc bông gòn lau sạch, nếu có loại nước lau tai dành cho mèo thì tuyệt vời hơn. Nếu tai mèo yêu có quá nhiều đốm đen thì bạn nên cho bé đến bác sĩ thú y để kiểm tra vì có thể tai bé không được khỏe rồi.

Phần mắt và mũi mèo bạn cũng có thể dùng bông gòn ẩm để lau. Một số chú mèo thường bị chảy nước mắt làm cho phần lông chỗ khóe mắt bị ố vàng. Lau kỹ phần đó giúp mèo cưng bạn nhé. Nếu mèo bị chảy nước mắt nhiều hơn hay bị đỏ thì bạn nên mang đến bác sĩ thú y để kiểm tra.

Chúng ta nên dành thời gian để tắm, vệ sinh cho bé để đảm bảo sức khỏe cho bé và cả chúng ta. Bạn đừng nản lòng khi những lần đầu tiên bé phản ứng thái quá với việc tắm rửa. Nhưng nếu bé mèo của bạn thật sự không hợp tác thì bạn có thể mang bé đến các spa dành cho mèo, họ sẽ có phương pháp vệ sịnh sạch sẽ cho chúng. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn và bé !

Nguồn tham khảo : The Complete Cat Breed Book 2013

Đọc thêm

 2511   0 |  Lưu bài viết

 BÌNH LUẬN

Chưa có bình luận cho bài viết này!


  MENU