NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG HÔ HẤP TRÊN Ở MÈO - MẦM BỆNH CÓ THỂ ĐI THEO MÈO CẢ ĐỜI
25/08/2020 2510 0
Nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo là một trong những bệnh thường gặp. Trong một số trường hợp, mầm bệnh có thể đeo theo mèo dai dẳng suốt cả đời.
- Các loại bệnh cần được tiêm phòng khi nuôi mèo
- MÈO BỊ SỔ MŨI: NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH XỬ LÝ
- TOP 3 BỆNH RĂNG MIỆNG Ở MÈO PHỔ BIẾN HÀNG ĐẦU MÀ BẠN NÊN BIẾT
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo. Có thể do virus hay vi khuẩn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể trở thành bệnh mãn tính hoặc theo mèo dai dẳng suốt đời. Đây chính là những điều bạn nên nắm rõ về loại bệnh hô hấp này ở mèo.
Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo
URI là bệnh hô hấp do một số loại virus hoặc vi khuẩn gây ra (Ảnh: Pets Plus Us)
Nhiễm trùng đường hô hấp trên (URI) là thuật ngữ để chỉ mèo bị bệnh hô hấp do một hoặc nhiều virus và vi khuẩn gây nên.
Những loại virus phổ biến nhất khiến mèo bị nhiễm trùng đường hô hấp là:
-
Feline Herpesvirus Type-1 (còn được gọi là viêm khí quản do virus ở mèo hoặc FVR)
-
Feline Calicivirus (FCV)
Vi khuẩn gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo chính là:
-
Bordetella pneumoniaseptica
-
Chlamydophila felis
Khoảng 90% các ca nhiễm trùng đường hô hấp trên là do herpesvirus và calicivirus gây ra cho mèo. Ngoài ra, mycoplasma hoặc reovirus ở mèo cũng là tác nhân gây bệnh nhưng ít gặp hơn.
Dấu hiệu nhận biết khi mèo mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên
Nhiễm trùng đường hô hấp trên thường liên quan đến mũi, họng và gây ra các triệu chứng như:
-
Hắt hơi
-
Nghẹt mũi có thể kèm sổ mũi
-
Viêm kết mạc khiến mắt mèo chảy nước mắt kèm nhèm
-
Dịch tiết từ mũi có thể có màu hoặc trong
-
Nếu là FVR hay FCV, mèo có thể kèm loét miệng
Bạn nên chú ý khi thấy mèo có những dấu hiệu này (Ảnh: Pet Central)
Một số triệu chứng ít gặp hơn của bệnh này là:
-
Buồn chán
-
Lười vận động, lừ đừ
-
Sốt
-
Hạch bạch huyết mở rộng
-
Co thắt não khiến mắt bị lác (lé)
Trong trường hợp nghiêm trọng, mèo bị bệnh hô hấp có thể thấy khó thở. Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo thường kéo dài từ 7-10 ngày.
Nguyên nhân khiến mèo nhiễm bệnh
Căn bệnh này rất dễ lây giữa mèo với mèo thông qua dịch tiết từ mắt, mũi, nước bọt và các giọt bắn từ mèo bệnh. Đó là lý do khiến mèo dễ bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc gần với mèo bệnh hay chỉ đơn giản là sử dụng chung đồ đạc như: chén ăn uống, khay cát, ổ nệm, đồ chơi…
Nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo (URI) rất dễ lây lan giữa các bé mèo (Ảnh: Natural Pets HQ)
Các loại virus và vi khuẩn gây bệnh trực tiếp cho mèo không thể tồn tại trong môi trường quá lâu. Chúng dễ dàng bị tiêu diệt bởi các quy trình khử trùng. Ước tính herpesvirus chỉ có thể tồn tại không quá 18 tiếng sau khi ra khỏi cơ thể vật chủ nhưng calicivirus lại có thể tồn tại đến 10 ngày sau đó. Đó là lý do bạn nên khử trùng thường xuyên khi nuôi mèo, nhất là nuôi nhiều mèo để bảo vệ sức khỏe cho các bé. Sử dụng nước tẩy pha loãng là cách vừa đơn giản lại tiết kiệm khi cần khử trùng chuồng trại đấy!
Đặc biệt, một số bệnh trong nhóm bệnh hô hấp này có thể gây ra tình trạng mang trùng sẵn trong cơ thể mèo kể cả khi chúng đã phục hồi. Điều này dẫn đến việc mèo mẹ truyền bệnh hô hấp cho mèo con ngay khi chúng mới sinh ra.
Nhiễm trùng đường hô hấp trên thường kéo dài bao lâu?
Sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, mèo sẽ trải qua thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng. Nếu là nhiễm trùng không biến chứng, bệnh sẽ kéo dài từ 7-21 ngày tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cụ thể (trung bình là 7-10 ngày). Trong toàn bộ thời gian từ lúc ủ bệnh cho đến khi khỏi, mèo có thể lây bệnh cho mèo khác nếu tiếp xúc.
Đối với FVR do herpesvirus, tất cả mèo sẽ mang theo mầm bệnh suốt đời. Đối với trường hợp này, chỉ cần mèo bị căng thẳng vì bất kỳ lý do nào đó (phẫu thuật, bệnh,...) đều có thể khiến virus này tái hoạt động trở lại.
Đối với calicivirus, khoảng một nửa mèo sau khi khỏi bệnh sẽ trở thành vật chủ mang mầm bệnh. Một số mèo chỉ mang mầm bệnh trong vài tháng nhưng cũng có mèo mang mầm bệnh này suốt đời (dù rất ít). Khi mang mầm bệnh, mèo thường không có triệu chứng nào rõ ràng nhưng lại có thể truyền bệnh cho những bé mèo yếu ớt khác mà chúng gặp.
Chẩn đoán
Bạn nên đưa mèo đến bác sĩ thú y khi thấy những dấu hiệu về hô hấp ở mèo (Ảnh: PetMeds)
Các bác sĩ thú y thường chẩn đoán bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo thông qua:
-
Dấu hiệu lâm sàng đặc trưng của bệnh
-
Nếu là do virus gây bệnh thì có thể xác định bằng các tế bào thải ra từ mắt, mũi hoặc họng.
-
Nếu là bệnh hô hấp mãn tính, mèo cần được bổ sung chụp X-quang ngực, sọ, xét nghiệm máu, nuôi cấy và kiểm tra độ nhạy của miễn dịch bất thường.
Cách chữa bệnh đường hô hấp ở mèo
Nếu là nhiễm trùng đường hô hấp trên không biến chứng thì bạn có thể yên tâm là chúng ta hoàn toàn có thể điều trị triệu chứng bệnh tại nhà. Việc bạn cần làm là đưa mèo đến gặp bác sĩ thú y để xác định tình trạng bệnh và kê toa, có thể bao gồm thuốc bôi mắt nếu mắt mèo chảy mủ. Mèo có thể cần sử dụng kháng sinh nếu nguyên nhân xuất phát từ Bordetella hoặc Chlamydophila.
Ngoài hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ, bạn cần áp dụng đồng thời cách chữa bệnh đường hô hấp cho ở mèo tại nhà để đạt hiệu quả tốt nhất:
-
Sử dụng máy tạo độ ẩm sẽ rất có ích đối với mèo bị nghẹt mũi hoặc chỉ đơn giản là cùng cho mèo vào nhà vệ sinh khi bạn đi tắm (mèo vẫn ở nơi khô ráo) trong 10-15 phút mỗi ngày.
-
Nhỏ mũi có thể giúp mèo thấy dễ chịu hơn, nhất là khi mèo chảy nước mũi hay các mô mũi bị đau.
-
Đừng quên thường xuyên lau nước mũi bằng khăn ẩm để mặt mũi mèo luôn trông tươi tỉnh và hạn chế kích ứng từ nước mũi.
-
Tăng cường pate lon hoặc pate gói để kích thích mèo ăn nhiều hơn khi bị bệnh vì chúng thường chán ăn do nghẹt mũi.
Dù có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ nhưng nếu mèo bị mất nước hay suy nhược cơ thể hoặc bệnh chuyển biến nặng thì phải đưa mèo quay lại phòng khám. Lúc này chúng cần được điều trị y tế chuyên sâu hơn.
Phòng ngừa viêm đường hô hấp trên ở mèo
Tiêm đầy đủ vacxin có thể giúp bảo vệ cho mèo phần nào trước căn bệnh này (Ảnh: Fernlea Vets Bristol)
Tiêm đầy đủ vacxin thiết yếu mà mèo cần để bảo vệ mèo khỏi bệnh viêm phổi do virus ở mèo và calicivirus. Một vài loại vacxin nâng cao sẽ có khả năng chống lại bệnh Chlamydiosis ở mèo nhưng bạn cần cân nhắc và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêm những loại vacxin này cho bé. Nhưng dù sao thì vacxin không thể bảo vệ hoàn toàn 100% cho mèo trước những căn bệnh này nên tốt nhất bạn nên hạn chế để mèo tiếp xúc với mầm bệnh.
Đừng quên là chúng ta cần tiêm nhắc lại những mũi vacxin này hàng năm để đảm bảo hiệu quả của nó. Lịch tiêm nhắc lại còn tùy thuộc vào từng loại vacxin, có thể là 1-3 năm chẳng hạn.
Bên cạnh đó, do nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo rất dễ lây nhiễm qua dịch tiết, giọt bắn và đồ dùng hàng ngày nên tốt nhất, bạn cần hạn chế đưa mèo đến những nơi có nhiều mèo. Bạn sẽ không thể biết được trước khi mèo cưng của bạn ghé qua thì nơi đó đã từng chào đón một bé mèo nào đang mắc bệnh hay không. Quan trọng nhất vẫn là bạn cần tuân thủ vệ sinh, rửa tay sạch sau với xà phòng diệt khuẩn trước khi chạm tay vào một bé mèo và sau khi kết thúc. Như vậy sẽ hạn chế khả năng lây bệnh thông qua bạn.
Bạn nên làm gì để những bé mèo khác trong nhà không bị lây bệnh?
Bạn cần nhớ rằng một bé mèo bị nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp tính sẽ có thể lây bệnh cho những bạn mèo khác từ khi chúng ủ bệnh cho đến suốt 3 tuần sau khi mèo bắt đầu xuất hiện triệu chứng bệnh. Vậy đối tượng nào dễ bị nhiễm bệnh nhất? Đó chính là:
-
Mèo con
-
Mèo chưa được tiêm phòng
-
Mèo mắc các bệnh nền mãn tính khác
Do đó, bạn nên thận trọng cách ly những bé mèo khác ít nhất 1-2 tuần khi trong nhà có một bé mắc bệnh này. Chỉ có cách này mới có thể hạn chế lây nhiễm giữa chúng.
Nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo có lây cho người không?
Hầu hết các bệnh rất đặc trưng theo giống loài nên sẽ không lây cho người. Tuy nhiên, trong những trường hợp nhất định, Bordetella domainsseptica có thể là nguy cơ với những người có vấn đề về miễn dịch. Một vài báo cáo cho thấy người sống cùng nhà với mèo bị bệnh hô hấp do Chlamydophila felis gây ra có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh này. Vì thế hay cẩn thận khi bất kỳ ai trong gia đình bạn có dấu hiệu nhiễm trùng đường hô hấp khi trong nhà có mèo đang mắc bệnh. Tuy nhiên, một lần nữa nhắc lại rằng những ca bệnh hô hấp truyền từ mèo sang người là cực kỳ hiếm có.
Nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo có tốc độ lây lan khá nhanh và có thể để lại hậu quả lâu dài. Vì vậy, bạn cần nắm rõ những thông tin trên đây để kịp thời phản ứng khi có dấu hiệu mèo bị bệnh hô hấp.
Nguồn lược dịch từ bài viết của bác sĩ thú y Cheryl Yuill tại Mỹ
Đọc thêm ▾
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận cho bài viết này!