TÌM HIỂU VỀ VACXIN MÈO (PHẦN 2)

22/02/2020  1496   0

Tiêm vacxin cho trại mèo là một dạng y tế dự phòng hết sức cần thiết và không thể thiếu tại các trại mèo. Bạn có biết gì về vacxin cho trại mèo hay chưa ?. Tiếp nối phần 1 – Những điều cơ bản về vacxin cho trại mèo, phần 2 chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những lưu ý khi dùng vacxin cho trại mèo nhé !

PHẦN 2 : NHỮNG LƯU Ý KHI DÙNG VACXIN CHO TRẠI MÈO

Ở phần 1, chúng ta đã được giới thiệu những điều cơ bản về vacxin cho trại mèo. Bây giờ là lúc chúng ta cần ghi chú lại những lưu ý khi dùng vacxin cho trại mèo từ hướng dẫn của hiệp hội mèo CFA. Bất kì nhà nhân giống nào cũng nên nắm rõ cách sử dụng vacxin cho trại của mình để phòng ngừa bệnh tật cho mèo giống. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ hết về cách áp dụng vacxin hiệu quả. Cùng CFA học hỏi thêm về vacxin nào !

1. Đối với mèo con

Mèo con khỏe mạnh và có ít nguy cơ nhiễm bệnh có thể được tiêm vacxin ở 8 – 12 tuần tuổi. Nhưng trại mèo được đánh giá là môi trường có nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe mèo con, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên (URI). Vì vậy, mèo con của trại nên được tiêm ngừa sớm hơn, mặc dù việc tiêm vacxin cho động vật nói chung và mèo con nói riêng khi dưới 6 tuần tuổi và được xem là sử dụng thuốc ngoài hướng dẫn hay dùng thuốc cho mục đích chưa được cho phép.

NHỮNG LƯU Ý KHI DÙNG VACXIN CHO TRẠI MÈO 1

Mèo con cần được đánh giá và phân tích các nguy cơ nhiễm bệnh từ môi trường trại và rủi ro trước khi tiêm ngừa (Ảnh : PetMD)

Thời gian sớm nhất có thể tiêm phòng cho mèo con có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh là 2 tuần tuổi vì trước đó nhiệt độ cơ thể của mèo con sơ sinh thấp hơn làm ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng miễn dịch. Nếu tiêm phòng khi mèo con dưới 2 tuần tuổi sẽ hạn chế khả năng bảo vệ của vacxin hoặc không thể phát huy khả năng bảo vệ của vacxin và có thể gây ra bệnh nghiêm trọng không mong muốn với mèo con sơ sinh. Chúng ta nên hiểu rằng khả năng mèo con đáp ứng với việc tiêm ngừa rất khác nhau, nó có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố di truyền hay môi trường có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của mèo con rất nhiều.

2. Cách sử dụng kết hợp các dạng vacxin

Mỗi trại mèo có điều kiện về môi trường sống và hoàn cảnh sống khác nhau, vì vậy cách sử dụng vacxin cho mèo cũng khác nhau.

  • Những trại mèo chỉ cho sinh sản 1 – 2 lứa mỗi năm có thể sử dụng cách tiêm vacxin vào 8 – 12 tuần tuổi cho nhóm ít có rủi ro hay nguy cơ nhiễm bệnh.
  • Trại mèo lớn nhưng không gặp các vấn đề nghiêm trọng về bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên (URI) có thể sử dụng MLV tiêm cho các bệnh FHV – 1, FCV và FPV khi mèo được 4 tuần tuổi và các mũi tiếp theo ở 8 và 12 tuần tuổi.
  • Trại mèo có nhiều khả năng bị đe dọa bởi URI có thể sử dụng vacxin IN cho FHV – 1, FCV khi mèo con được 2 – 4 tuần tuổi bằng cách nhỏ trực tiếp một giọt vacxin vào mỗi mắt và một giọt vào mũi mèo con. Sau đó, tiêm thêm cho FHV – 1, FCV và FPV khi mèo con khoảng 4 tuần tuổi cho đến 12 – 14 tuần tuổi.

Chăm sóc tốt và cách ly mèo theo nhóm tuổi là 2 yếu tố rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh trong trại mèo.

3. Sử dụng vacxin cho mèo bầu

NHỮNG LƯU Ý KHI DÙNG VACXIN CHO TRẠI MÈO 2

Trong một số trưởng hợp, mèo bầu sẽ được nhà nhân giống cho tiêm vacxin vào những tuần cuối của thai kì (Ảnh : Pet n sur)

Trong những tình huống bắt buộc, có thể tiêm vacxin cho mèo đang mang thai bằng cả vacxin diệt virut KV 3 chiều hoặc sản phẩm vacxin nội bào IN có chứa FHV – 1 và FCV (nhưng không phải FPV) trong giai đoạn 2 – 3 tuần cuối của thai kì để cung cấp tối ưu kháng thể cho mèo con.

Nói chung, vacxin nội bào IN không ngừa FPV và vacxin diệt virut KV là an toàn với mèo bầu nhưng không phủ nhận chúng vẫn có thể mang đến một số rủi ro ho mèo khi sử dụng, chủ yếu là liên quan đến các phản ứng của vacxin. Dù bản thân vacxin không nguy hiểm nhưng những phản ứng sốt, thờ ơ hoặc mất cảm giác ngon miệng có thể đi kèm với vacxin có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mèo con sắp chào đời. Vì vậy, cần cân nhắc cẩn thận khi tiêm ngừa cho mèo bầu.

4. Lưu ý về thời gian tiêm các mũi vacxin

Điều quan trọng bạn cần lưu ý là không nên tiêm vacxin thường xuyên ( khoảng 2 tuần/lần). Khoảng thời gian lý tưởng nhất để thực hiện tiếp mũi tiêm khác là từ 3 – 4 tuần

5. Những vacxin không nằm trong 3 mũi vacxin nền

Vacxin ngừa bệnh Chlamydia

NHỮNG LƯU Ý KHI DÙNG VACXIN CHO TRẠI MÈO 3

Vacxin Chlamydia có thể gây ra các phản ứng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng cho mèo nên thường được cân nhắc khi tiêm (Ảnh : Catster)

Loại vacxin này được xác định không nằm trong những mũi vacxin nền. Tác nhân gây bệnh này chỉ tác động đến một phần nhỏ những trường hợp URI ở Bắc Mỹ hoặc chỉ một số vùng nào đó. Có khoảng 3% mèo gặp phải các phản ứng phụ của vacxin, mức độ có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng tùy từng bé. Thông thường mèo trông buồn bã, trầm cảm, chán ăn, ốm yếu và sốt bắt đầu từ 7 – 21 ngày sau khi tiêm. Cũng có nhiều lo ngại về chất lượng miễn dịch của vacxin Chlamydia không tốt bằng các vacxin ngừa FHV – 1 và FCV. Liệu pháp sử dụng kháng sinh ra đời có nhiều triển vọng hơn đối với bệnh Chlamydia. Vì vậy, việc tiêm vacxin Chlamydia cũng nên được cân nhắc vì nó có thể xử lí bằng kháng sinh và việc tiêm phòng lại có thể gây ra phản ứng phụ rất nghiêm trọng cho mèo.

Vacxin ngừa bệnh bạch cầu ở mèo FeLV

Đây là vacxin chống lại virut bệnh bạch cầu ở mèo (FeLV). Nó cũng không nằm trong các mũi vacxin nền cốt lõi của mèo. Mèo chỉ nên tiêm vacxin này khi chúng thật sự có nguy cơ nhiễm bệnh mà thôi. Nếu chúng được nuôi hoàn toàn ở nhà và không ra ngoài chơi hay tiếp xúc với mèo lạ thì có thể chúng không cần đến mũi vacxin này. Nếu mèo con được đón về nhà mới và sống chung với những chú mèo khác, bạn hoàn toàn có thể tiêm vacxin ngừa FeLV cho em ấy.

Vacxin ngừa bệnh viêm phúc mạc ở mèo FIP

NHỮNG LƯU Ý KHI DÙNG VACXIN CHO TRẠI MÈO 4

Vacxin ngừa FIP vẫn còn gây nhiều tranh cải về tính an toàn và hiệu quả ngừa bệnh mà nó mang đến (Ảnh : Omlet US)

Đây là loại vacxin mới được chế tạo. Lịch sử phát triển của loại virut này thật sự rất phức tạp. Ngoài ra, phương thức lây lan và hình thức phát bệnh khi mèo nhiễm virut này rất khác so với các virut mèo thông thường khác. Mèo con được khuyến cáo nên tiêm ngừa virut này dưới 16 tuần tuổi. Tuy nhiên, vẫn tiếp tục có nhiều xung đột và tranh cãi xoay quanh hiệu quả và tính an toàn của loại vacxin mới này. Nhiều nghiên cứu cho thấy các kết quả mâu thuẫn với nhau. Vì vậy, việc tiêm vacxin này cho mèo vẫn nên được cân nhắc kĩ lưỡng.

Hiện nay, ở Việt Nam chúng ta thường sử dụng mũi vacxin 4 bệnh cho mèo hơn là những loại vacxin này. Những mũi vacxin không nằm trong vacxin nền (vacxin ngừa Chlamydia, FeLV và FIP) cũng rất khó mua hoặc hầu như không có bán tại Việt Nam. Hy vọng cách sử dụng vacxin từ hướng dẫn của AAFP và CFA có thể giúp những nhà nhân giống bổ sung thêm kiến thức phòng bệnh cho mèo và có thể áp dụng cho chính trại mèo của mình. Phòng bệnh vẫn tốt hơn trị bệnh mà đúng không ?.

Nguồn tham khảo : CFA

 

Đọc thêm

 1496   0 |  Lưu bài viết

 BÌNH LUẬN

Chưa có bình luận cho bài viết này!


  MENU