TRỌN BỘ CHĂM SÓC MÈO CON CHO NGƯỜI MỚI NUÔI

07/05/2020  1828   0

Khi quá “cuồng mèo”, chắc hẳn bạn rất muốn được đón một em về nhà đúng không nào? Thế nhưng việc yêu mèo và việc chăm sóc mèo con hoàn toàn khác xa nhau. Chắc chắn, bạn sẽ vướng vào một mớ thắc mắc hỗn độn khi bắt đầu chăm sóc một bé boss.

Chăm sóc một chú mèo con thật sự không thua kém gì chăm sóc một em bé. Nếu bạn chưa từng chăm sóc mèo con trước đây thì việc bạn bối rối trước các vấn đề của bé là hoàn toàn bình thường. Chúng ta cùng hệ thống lại những việc cần làm khi nuôi một chú mèo con để xem bạn có bỏ qua điều gì không nhé!

Phần 1: Chuẩn bị chăm sóc mèo con

1.1. Chọn mua mèo con

TRỌN BỘ CHĂM SÓC MÈO CON CHO NGƯỜI MỚI NUÔI 1

Việc đầu tiên cần làm là chuẩn bị một chú mèo con (Ảnh: Daily Hive)

Câu hỏi đặt ra là bạn nên mua mèo con ở đâu? Bạn có thể vào các hội nhóm về mèo và tìm kiếm một em mèo ưng ý. Tuy nhiên, ưu tiên nhất vẫn dành cho những bé mèo ở gần. Việc đến xem tận nơi sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát về tính cách, sức khỏe, ngoại hình của mèo con. Những điều này rất khó để bạn cảm nhận qua hình ảnh khi mua từ xa. Mặt khác, việc mua mèo ở xa vừa làm tăng chi phí vận chuyển lên cao lại mang đến nhiều rủi ro về sức khỏe cho mèo con trong quá trình vận chuyển. Đó là còn chưa kể đến những thành phần lừa đảo luôn sẵn sàng lừa tiền bạn. Vậy nên, nếu được, chúng ta nên thử tìm kiếm trên các hội nhóm về mèo tại địa phương hoặc những người bán mèo ở gần bạn.

Đây là những tiêu chí bạn nên cân nhắc khi mua mèo con:

  • Độ uy tín của người bán

  • Độ đẹp và sức khỏe của mèo con

  • Giá cả cũng nên được cân nhắc trước khi chọn mua

Bạn có thể tham khảo Cách chọn mua mèo con khỏe mạnh trước khi đến gặp trực tiếp boss tương lai của mình. Khi chọn được một boss khỏe mạnh, bạn sẽ đỡ vất vả hơn trong khâu chăm sóc mèo con sau này đấy!

1.2. Chuẩn bị vật dụng cần thiết để chăm sóc mèo con

Chắc chắn rồi! Chúng chính là cánh tay đắc lực giúp bạn chăm sóc mèo con. Nếu đây là lần đầu tiên bạn nuôi mèo thì lại càng phải chuẩn bị đầy đủ hơn. Bạn sẽ phải dành một khoản kha khá cho việc này. Mèo con cần gì nhỉ?

  • Thức ăn cho mèo con

  • Chén ăn, chén uống nước

  • Khay cát vệ sinh cho mèo và cát vệ sinh

  • Xẻng xúc chất thải trong cát vệ sinh

  • Túi xách hoặc balo vận chuyển

  • Đồ chơi cho mèo con

  • Bàn cào móng cho mèo

  • Nệm ngủ cho bé

  • Vòng cổ (nếu thích)

Nếu cần tìm hiểu chi tiết hơn về mục này, hãy xem thêm ở bài viết Những vật dụng cần thiết khi nuôi mèo. Sau khi chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, bạn nên sắp xếp chúng vào một góc nhỏ dành cho mèo. Tốt nhất, mèo con nên được ở trong một phòng riêng ít nhất là trong những ngày đầu tiên còn bỡ ngỡ về ngôi nhà.

Phần 2: Đón mèo con về nhà

Khi đón mèo con về nhà, bạn nên cho bé vào góc riêng đã được chuẩn bị trước. Hãy để em ấy tự khám phá ngôi nhà mới. Bạn và những thành viên khác trong gia đình, nhất là trẻ con, không nên quá khích với sự hiện diện của mèo. Điều này có thể khiến bé sợ hãi và trở nên rụt rè hơn. 

 

Đầu tiên, bé nên được khám phá góc riêng của mình, sau đó mới cho mèo tự do đi khắp nhà. Mèo con luôn thấy an tâm hơn với những không gian nhỏ hẹp. Khi bé đã sẵn sàng, bạn có thể giới thiệu những khu vực khác. 

Màn chào hỏi giữa các thành viên và mèo con nên diễn ra nhẹ nhàng và tự nhiên hết mức có thể để bé không bị “sốc”. Đặc biệt với những gia đình đang nuôi thú cưng, bạn nên cẩn thận hơn khi giới thiệu mèo con với các vật nuôi khác trong gia đình. Luôn kiểm soát mọi thứ trong tầm mắt để tránh những điều đáng tiếc xảy ra trong lần đầu tiên chúng gặp nhau bạn nhé!

Phần 3: Chăm sóc mèo con

3.1. Chăm sóc mèo con về sức khỏe

Mèo con thường về nhà mới khi được 8 - 12 tuần tuổi. Đây là giai đoạn khá nhạy cảm về sức khỏe của chúng. Bạn nên hỏi về các mũi tiêm vacxin và lịch tẩy giun cũng như các biện pháp phòng ngừa ký sinh ngoài da khi đón mèo. Mèo con nên hoàn thành các mũi tiêm đúng hẹn của bác sĩ. Tuân thủ đúng lịch tẩy giun cũng nhỏ rận giúp mèo phòng ngừa lũ ký sinh trùng bên trong lẫn ngoài da. Đây chính là cách bạn có thể bảo vệ sức khỏe cho mèo cưng của mình khi chúng còn quá non nớt.

TRỌN BỘ CHĂM SÓC MÈO CON CHO NGƯỜI MỚI NUÔI 3

Bạn nên ghi chú lại lịch tiêm vacxin và áp dụng các biện pháp phòng ngừa ký sinh cho mèo (Ảnh: Southpoint Animal Hospital)

Nếu kỹ tính hơn, bạn có thể cho mèo con đến bác sĩ để làm vài kiểm tra về sức khỏe của bé. Các chỉ số trong máu sẽ phản ánh chính xác tình hình sức khỏe của mèo con. Ngoài ra, bạn có thể kiểm tra xem mèo cưng có mắc phải các bệnh phổ biến ở mèo con hay không. 

Bên cạnh đó, khi thấy những biểu hiện bất thường ở mèo con. Bạn nên đưa mèo con đến phòng khám thú y, nhất là khi bạn chưa có kinh nghiệm chăm sóc mèo con.

3.2. Chăm sóc mèo con về mặt dinh dưỡng

Thức ăn cho mèo con

Nhiều người nuôi mèo thường lo lắng là thức ăn cho mèo con không thể đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của chúng. Nhưng điều này thật sự không đúng. Công thức thức ăn dành cho mèo con thường được nghiên cứu dựa theo nhu cầu thực tế của mèo con. Thức ăn dành cho mèo con có thể đáp ứng đầy đủ dưỡng chất cho sự phát triển và tăng trưởng vượt bậc trong thời gian ngắn của mèo con. Về mặt dinh dưỡng, mèo con chỉ cần một loại thức ăn chất lượng cao chuyên dành cho mèo con là đủ. 

TRỌN BỘ CHĂM SÓC MÈO CON CHO NGƯỜI MỚI NUÔI 4

Một loại thức ăn chất lượng tốt chuyên dành cho mèo con sẽ giúp bạn chăm sóc mèo con hoàn hảo về mặt dinh dưỡng (Ảnh: The Spruce Pets)

Thức ăn cho mèo con cũng rất đa dạng, bao gồm: 

  • Thức ăn hạt khô dành cho mèo con

  • Thức ăn ướt đóng hộp (Pate lon) dành cho mèo con

  • Thức ăn tự nấu 

Bạn nên kết hợp đa dạng các loại thức ăn để mèo đỡ ngán và không kén ăn. Dù boss có đam mê ăn uống cỡ nào thì bạn cũng chỉ nên cho mèo ăn một lượng vừa đủ, ăn quá nhiều có thể khiến em ấy bị béo phì, rất nguy hiểm.

Nước và sữa

Ngoài thức ăn, nước uống cực kỳ quan trọng. Chuẩn bị nước sạch là một điều bạn không nên quên khi chăm sóc mèo con. Nước uống nên được để sẵn nhiều nơi trong nhà để mèo cưng có thể uống tùy thích.

Bạn có nghĩ rằng mèo con vẫn nên được uống sữa? Thực tế là mèo con sau 8 tuần tuổi có thể ăn thức ăn thô hoàn toàn và không cần uống sữa. Việc uống thêm sữa cũng không sao nếu chọn đúng sữa công thức cho mèo con. Đường lactose trong sữa bò có thể khiến mèo bị tiêu chảy. Lưu ý điều này bạn nhé!

3.3. Dạy dỗ mèo con

TRỌN BỘ CHĂM SÓC MÈO CON CHO NGƯỜI MỚI NUÔI 2

Đừng quên dạy dỗ khi chăm sóc mèo con hàng ngày (Ảnh: Animal Planer)

Không chỉ chăm sóc mèo con, bạn cần phải dạy dỗ chúng. Mặc dù chúng bị ảnh hưởng rất nhiều từ tính cách của mèo mẹ nhưng chúng vẫn tiếp tục hoàn thiện cách giao tiếp khi lớn lên. Chính cách chúng ta đối xử và dạy dỗ sẽ tác động đến việc hình thành tính cách của chúng khi trưởng thành. Bạn nên dạy mèo cách hòa nhập vào cuộc sống mới. Điều này giúp chúng dễ thích nghi và cởi mở hơn với những thành viên khác trong gia đình. Một chú mèo thân thiện vẫn được nhiều điểm cộng hơn đúng không nào?

Trong khi chăm sóc mèo con hàng ngày, bạn nên dạy mèo những điều nên và không nên làm. Tuy nhiên, dạy dỗ mèo con không có nghĩa là la mắng và sử dụng vũ lực. Chúng sẽ không nhận ra lỗi lầm mà ngược lại, chúng sẽ thấy sợ hãi nhiều hơn. Hoàn toàn phản tác dụng! Nếu bạn không muốn trở nên đáng sợ hơn trong mắt mèo con, hãy luôn bình tĩnh trước những sai lầm của bé. Những biện pháp dạy dỗ nhẹ nhàng luôn mang đến hiệu quả bất ngờ. Đây là những hành vi không nên làm thường gặp ở mèo con và các giải pháp, hãy bấm vào trường hợp của mình để tham khảo những gợi ý nhé!

3.4. Tạo thói quen vệ sinh cho mèo

TRỌN BỘ CHĂM SÓC MÈO CON CHO NGƯỜI MỚI NUÔI 5

Một chú mèo con sạch sẽ, thơm tho luôn chiếm được thiện cảm của bạn nhiều hơn đúng không nào? (Ảnh: Funny Cat Site)

Mèo con nên được “trải nghiệm” cảm giác được đánh răng, chải lông hàng ngày và đặc biệt là tắm định kỳ. Lý do vì sao?

  • Đánh răng cho mèo con hàng ngày giúp giảm thiểu các nguy cơ về bệnh răng miệng. Có thể bạn chưa biết nhưng gần 75% mèo trên 3 tuổi đều gặp các vấn đề nha khoa. Điều này hoàn toàn có thể ngăn ngừa bằng việc đánh răng cho bé. Vì vậy, đừng quên điều này khi chăm sóc mèo con hàng ngày nhé!

  • Chải lông hàng ngày dù mèo con chưa có nhiều lông. Bạn nên tập thói quen này cho mèo cũng như cho chính mình. Giây phút chăm sóc lông cho mèo giúp kết nối tình cảm của cả hai. Ngoài ra, việc chải lông mang đến lợi ích vô cùng lớn. Động tác chải lông giúp loại bỏ lông rụng cho mèo, từ đó phòng ngừa tắc búi lông trong ruột mèo.

  • Cuối cùng là tắm cho mèo. Mặc dù, mèo dành hàng giờ mỗi ngày cho việc tắm (tự liếm lông khắp người), nhưng sẽ có lúc mèo cần sự giúp đỡ từ bạn. Sẽ rất khó khăn trong lần đầu tiên tắm cho mèo trưởng thành, tuy nhiên, đối với mèo con, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nhiều.

3.5. Chơi với mèo con

TRỌN BỘ CHĂM SÓC MÈO CON CHO NGƯỜI MỚI NUÔI 6

Hãy dành thời gian cho mèo con mỗi ngày (Ảnh: Dreamstime)

Đừng quên dành một 15 - 30 phút mỗi ngày để chơi đùa vuốt ve mèo cưng bạn nhé! Kể cả khi mèo con có thể tự giải trí với những món đồ chơi thì chúng vẫn cần bạn. Ngoài ra, việc chơi đùa cũng mang đến nhiều lợi ích cho mèo. Khi mèo nô đùa, cả cơ thể của bé đều vận động, giảm nguy cơ bị béo phì. Mặt khác, đó cũng là cách mèo rèn luyện sự nhạy bén và thể hiện khả năng săn mồi của mình. Bạn sẽ được chứng kiến nhiều pha hài hước siêu kinh điển của boss nhà mình khi cùng chơi với chúng. Đừng quên nhé!

Bây giờ thì bạn đã sẵn sàng chăm sóc mèo con hay chưa? Cùng đón boss về nhà thôi nào!

 

Đọc thêm

 1828   0 |  Lưu bài viết

 BÌNH LUẬN

Chưa có bình luận cho bài viết này!


  MENU